Lịch sử hình thành và phát triển

Ngày 22/3/1961, Bộ Kiến trúc ban hành Quyết định thành lập xưởng Gạch Thanh Trì - tiền thân của Công ty cổ phần sứ Viglacera Thanh Trì ngày nay, với khoảng 100 cán bộ, công nhân viên. Ngay sau khi ra đời, vừa nghiên cứu sản xuất, vừa đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, xưởng Gạch Thanh Trì đã nhanh chóng trở thành một đơn vị cung cấp gạch chịu lửa cấp thấp, gạch xây, gạch lát, ống sành có uy tín ở miền Bắc. Năm 1962, sản phẩm gạch khối tráng men của Thanh Trì đã vinh dự được sử dụng để trang trí cho công trình Hội trường Ba Đình – một công trình có yêu cầu chuẩn mực và tiêu biểu ngày ấy. Trên đà phát triển, đến tháng 7/1964, xưởng Gạch Thanh Trì đã được nâng cấp thành Xí nghiệp Gạch Thanh Trì, bộ máy tổ chức của xí nghiệp được hình thành, được củng cố và đi vào hoạt động khá hiệu quả. Xí nghiệp đã tiếp nhận nhiều đoàn thực tập sinh được đào tạo ở nước ngoài về, là lực lượng công nhân và cán bộ kỹ thuật nòng cốt để thực hiện các thay đổi về công nghệ, kỹ thuật cho sản xuất các mặt hàng cao cấp như gạch men kính, sứ vệ sinh sau này. Các sản phẩm chủ lực của Xí nghiệp giai đoạn này bao gồm ống sành tráng men muối, gạch chịu axit, gạch men. Công nghệ sản xuất sứ vệ sinh đã bắt đầu được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm nhưng sản lượng, chất lượng và tỷ lệ thu hồi chưa được cao.


Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng, về thăm và làm việc với Công ty


Sau năm 1975 đất nước hoàn toàn được giải phóng, để đáp ứng nhu cầu kiến thiết đất nước, Xí nghiệp Gạch Thanh Trì được đổi tên thành Nhà máy Sành sứ xây dựng Thanh Trì, với nhiệm vụnghiên cứu, sản xuất chủ yếu là gạch men kính và sứ vệ sinh. Với điều kiện công nghệ lúc đó, sản phẩm gạch men kính chủ yếu là kích thước nhỏ 110x110mm, sứ vệ sinh mới chỉ là các xí xổm, chậu rửa kiểu treo đơn giản và chất lượng thấp. Nhà máy đã thiết kế và đưa vào vận hành thành công lò tuy nen bức xạ nhiệt để nung gạch men và sứ vệ sinh, tuy nhỏ nhưng là tiền đề để xây dựng các lò nung tuynel sau này. Trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế quản lý, cũng như nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, Nhà máy Sành sứ Thanh Trì cũng trải qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, từng bước tháo gỡ, mở ra hướng đi mới. Năm 1993, trong điều kiện hết sức khó khăn, Nhà máy đã mạnh dạn xây dựng dự án đầu tư dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh cao cấp với công nghệ và thiết bị tiên tiến của Italy công suất 75.000 sản phẩm/năm. Bằng nỗ lực hết mình của mỗi cán bộ, công nhân viên, sự năng động và quyết tâm của lãnh đạo, dây chuyền sản xuất sứ vệ sinh cao cấp đầu tiên tại Việt Nam đã đi vào hoạt động, cho ra lò những sản phẩm sứ vệ sinh cao cấp đạt tiêu chuẩn châu  u. Cũng từ đây, Nhà máy được đổi tên thành Công ty Sứ Thanh Trì.


Đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng, về thăm và làm việc tại Công ty


Sau 3 năm hoạt động đạt và vượt công suất thiết kế, trước nhu cầu của thị trường, năm 1996 Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền 2 với lò nung tuy nen công suất 400.000 sản phẩm/năm. Với kinh nghiệm, công nghệ đã tích lũy được, dây chuyền 2 đã đi vào sản xuất ổn định ngày từ khi mới vận hành, đưa Công ty trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh sứ vệ sinh hàng đầu trong nước. Sản phẩm của Công ty cũng được xuất khẩu ra nước ngoài, tới cả các nước có ngành công nghiệp sản xuất sứ phát triển như Nhật Bản, Italy... Trên cơ sở thành công của Sứ Thanh Trì, các nhà máy sản xuất sứ vệ sinh khác của TCty Viglacera như sứ Việt Trì, sứ Bình Dương cũng lần lượt ra đời, góp phần đưa sản phẩm sứ vệ sinh Viglacera trở thành một trong những sản phẩm trọng tâm của TCty Viglacera, góp phần xây dựng Viglacera thành nhà sản xuất và phân phối VLXD hàng đầu trong cả nước.


Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng, và đồng chí Nguyễn Trần Nam, nguyên Giám đốc Công ty, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng và ban lãnh đạo Công ty chụp ảnh lưu niệm


Sau khi cổ phần hóa năm 2008, Công ty cổ phần sứ Viglacera Thanh Trì đã có những bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc, bộ máy quản lý được tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả, áp dụng nhiều thành tựu công nghệ mới vào sản xuất, chú trọng công tác thiết kế mẫu mã ... đã nâng cao được chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.